Chuyện hồi đó

Mười giờ tối ngày Chủ nhật, tâm trạng phơi phới sau khi giải quyết hết đống quần áo bẩn chất đầy thau, mà theo như tôi và thằng em họ hay nói bông đùa là “bán đồ sale”, cũng bởi chiếm hết cả cái giàn phơi đồ của dãy trọ luôn rồi.

Mở mạng lướt web, bật bản nhạc mới thích thích những ngày gần đây, lại tình cờ đọc được một note cũ. 

“Tôi là sinh viên mỹ thuật, vừa thi đậu Đại học, nghe học phí hơn 30 triệu, cô dì chú bác đã khuyên cha mẹ cho tôi nghỉ đi, con gái nông thôn học nhiều thì có ích gì. Nhưng ba chỉ nói với tôi một câu: “Con gái, người khác nói gì không quan trọng, trong lòng cha, con mãi là niềm kiêu ngạo.” Tôi nào dám không cố gắng.”

Vỏn vẹn có mấy câu, lại khiến tôi xúc động. “Con gái, người khác nói gì không quan trọng, trong lòng cha, con mãi là niềm kiêu ngạo”. Câu nói ấy, như xuyên thẳng vào lồng ngực tôi.

Bỗng dưng lại nhớ nhà. Nhớ ba, mẹ vô cùng. Còn cả đứa em gái láo cá của tôi. “Mày may mắn lắm mới được đẻ vô nhà đây á nha N. Chứ vô nhà nào là không có được sướng như này đâu”. Cứ mỗi khi mẹ làm đồ ăn ngon cho cả nhà là ba lại hay cười nói với tôi như vậy. Tôi cũng cười ha hả theo, nhiệt tình hưởng ứng “Đúng đúng đúng, chứ vô nhà nào thì đâu có được ăn ngon như vầy” rồi ăn lấy ăn để. Tôi biết chứ, từ ngày xa nhà, rồi mỗi năm chỉ vỏn vẹn hai dịp về quê. Tôi đã hiểu rồi.

[…]

Lại còn nhớ có lần, tôi hồi này chắc cũng tầm lớp sáu, lớp bảy gì đó. Tôi với con nhỏ hàng xóm kém tôi ba tuổi chơi ở nhà tôi. Em nó còn nhỏ xíu, vẫn còn phải bế. Tụi tôi tính đi trốn cu cậu, rồi để thằng nhỏ bò đi tìm. Trốn một hồi, tôi máu lên kêu con nhỏ hàng xóm leo lên trên tủ đi, để cho cu cậu không tìm được tụi tôi. Nó cũng đang sung, bỏ em nó bò dưới sàn nhà, rồi tui với nó trèo lên trên tủ. Hai đứa đứng trên đó, rồi còn kiểu lêu lêu cu em không sao bò lên đây được đâu nha em ơi. Rồi còn đi qua đi lại kiểu như trình diễn. 
Đang lúc hào hứng không tả nỗi, ba tôi đi xe về, nhìn thấy cảnh ấy liền nói “Mấy đứa đây, muốn quýnh *(đánh) phải không?”. Tôi với con nhỏ liền trèo xuống lại, tính đi qua nhà con kia chơi tiếp, ai đâu ngờ ba tôi từ nhà dưới đi lên cầm theo cái chổi lông gà, tôi lúc bấy giờ mới biết thì ra là ba tôi đang nói thật. Ủa, bộ đánh là đánh liền luôn vậy đó hả. Cu em thấy chị bị đánh cũng giật mình khóc thét, thật sự, cái cảnh lúc đó chính xác là, con nhỏ hàng xóm tay bế cu em đứng bên tôi, con chị thảng thốt khóc vì bị đánh, cu em giật mình sợ vì chị nó bị đánh, tôi cũng khóc vì không thể ngờ mình bị đánh! Tới chiều, câu chuyện ba tôi một roi xử tôi với con nhỏ hàng xóm lan rộng khắp xóm.

Gặp mấy người lớn cứ kiểu chọc quê :“Nghe nói trưa nay ăn cháo lương hả N”.
Tôi :“…” ghét thế không biết.


Lúc nhỏ chẳng biết gì, tới khi bị đánh mới biết đúng là mình chơi ngu thật. Ba nói cái tủ đó, là cái tủ để ở nhà trên, để cúng kính các kiểu, mà trèo lên làm trò thì bị đánh cho nhớ. Mà sự thật, là nhớ tới già!

Chao ôi, ngày xưa còn thơ còn dại, thế hệ 8x, 9x, có ai là không ăn roi mà lớn. Không nhiều cũng ít, không ít thì cũng rai lai dăm ba trận đòn dù nhẹ hay nặng. Lúc ấy dù có hận có trách, có tự nhủ lòng không thèm nói chuyện với ba, với mẹ thì chẳng phải bây giờ cũng to đầu hết rồi đấy hay sao. Đôi khi nghĩ lại còn thấy vui, thấy hoài niệm. 

Thời gian ấy mà, tháng tháng năm năm trải qua thì chậm, ngoảnh lại mới thấy thấp thoáng thôi đưa. Ba mẹ dù đã vô tình hay lỡ ý để lại trong ta một vài vết thương lòng hay nỗi đau da thịt trong quá khứ thì bao nhiêu đó vẫn chưa đủ để lấn át tất cả hàng triệu triệu những khoảnh khắc nhỏ nhặt họ đã làm vì muốn tốt cho ta. Những khoảnh khắc ấy được chụp lại, rồi lưu giữ qua tháng năm, cho đến giây phút mỗi đứa nhỏ năm xưa bước ra khỏi mái che gia đình vững chắc, rời xa vòng tay ba mẹ mới lũ lượt được gửi về, như một thướt phim quay chậm, khiến chúng nó bàng hoàng cảm nhận một sự nao lòng, một chút bơ vơ, hụt hẫng, thêm hơn cả nỗi sợ hãi, chính là cái cảm giác mà chúng nó hay gọi: Nhớ nhà. Mà cũng từ khoảnh khắc ấy, nhớ nhà – cụm từ gắn mãi mãi về sau.

Leave a comment