[Review Sách] Bên rặng Tuyết sơn – Swami Amar Jyoti

Sau Hành trình về phương Đông, đây là cuốn thứ hai tôi đọc được trong series những cuốn sách liên quan đến tâm linh, tôn giáo được Nguyên Phong dịch. Có lẽ vì mong chờ khá nhiều, nên tôi đã có phần hụt hẫng lúc đầu.

Không giống như Hành trình về phương Đông – là một dạng hồi kí có thật, Bên rặng Tuyết sơn chỉ làm một câu chuyện hư cấu. Tuy vậy phần lớn cuốn sách đã mô tả phần nào quá trình tu tập của các giáo sĩ Ấn Độ.

Bên rặng Tuyết Sơn kể về chàng trai trẻ Satyakam với mong muốn đi tìm hiểu cặn kẽ nguyên lí của vũ trụ, của cuộc sống và dần dần hoàn thiện bản thân mình. Qua từng hành trình của cậu và từng lời dạy của vị đạo sư già, tôi hiểu được rằng, thật ra thì, điều quan trọng nhất trên đời này không phải là chạy theo những phù phiếm của xã hội hay theo đuổi những chân lí xa vời trừu tượng, mà điều thật sự cần nhất chính là đi sâu vào bên trong nội tại mỗi cá nhân. Hãy để ý đến suy nghĩ của mình, cảm nhận từng cảm xúc của bản thân, hiểu rõ mình là ai và cố gắng làm chủ nó. Làm chủ được nội tại bản thân, chính là cách tốt nhất giúp chúng ta buông bỏ được nhiều vướng bận, lo toan trong cuộc sống này, hiểu được mọi vật chỉ là bên ngoài, chúng ta sẽ học cách khiêm tốn hơn và đặc biệt cuộc sống này là một chuỗi dài những sự học. Học để không ngừng hoàn thiện mình, bên cạnh đó còn là giúp đỡ được những người khác như Satyakam trong câu chuyện. Sau khi trải qua biết bao hành trình tu khổ, cuối cùng chàng trai trẻ năm nào cuối cùng cũng trở thành một đạo sĩ già với sự thấu hiểu và mang lại những bài học có ích cho nhiều người khắp các vùng tại Ấn Độ.

Trước khi từ dã cõi đời, Satyakam đã nói lại với học trò mình rằng:

“Đừng nghĩ rằng mình không thể tự tiến bộ được nếu không có sự giúp đỡ của kẻ khác, dù đó là một vị sư phụ. Khi các con còn phụ thuộc một người hay một quan niệm nào đó nghĩa là các con chưa đạt đến sự hiểu biết thật sự. Một người sư phụ chỉ là người đã đi trước, là người dẫn đường, chứ không phải là một cỗ xe để đưa các con đến đích. Ta có hành trình riêng của ta và các con cũng có những cuộc hành trình riêng của mình, nhưng chúng ta đều chung một hướng đi.”

Đây cũng điều mà tôi khá tâm đắc sau khi đọc xong quyển sách này, bởi tôi đã sâu sắc hiểu ra rằng, nếu tôi mong muốn một điều gì, hãy tự mình tìm hiểu trước, tự tìm tòi học hỏi trước và đừng mong chờ vào ai, bởi tôi chính là người thầy hữu ích nhất đối với tôi.

Khép lại cuốn sách, bản thân tôi đã có những cảm nghĩ của mình, cũng như những người khác sẽ có những trải nghiệm của chính họ, tùy thuộc vào hoàn cảnh mỗi người. Tôi không còn cảm thấy hụt hẫng như lúc đầu nữa, bởi tôi biết mỗi câu chuyện đều có một ý nghĩa riêng của nó.

SG, 16.05.2019
một ngày không nắng

Leave a comment